Làm điều bạn thích là tự do. Thích điều bạn làm là hạnh phúc.

Saturday, October 25, 2014

Út Hiền – Bạch Tuyết


ut-hien1-305.jpg
Bìa đĩa hát Ngày Sau Sẽ Ra Sao của nghệ sĩ Út Hiền

Hồi xa lắm rồi, một cậu giáo làng ở tỉnh Bạc Liêu cảm thấy nghề giáo trầm lặng quá, thiếu chất rung cảm mà tâm hồn cậu thì tha thiết với đờn ca xương hát, nên cậu cương quyết ra đi, lên Sài Gòn để theo cải lương. Cậu giáo đó về sau là kép Út Hiền.

Đệ tử của Út Trà Ôn

Đến đất Sài Gòn đầu thập niên 1960, năm ấy là năm mà danh tiếng đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn vang dội khắp nơi, cậu bị cuốn hút bởi Út Trà Ôn nên đến xin làm đệ tử. Thấy cậu có vẻ hiền, Cậu Mười bèn đặt cho cậu cái biệt danh rất “Nam kỳ” là Út Hiền. Thế là từ đó cậu mang “dòng họ” Út.
Thời gian sau Út Hiền là kép chánh đoàn Hương Mùa Thu đóng cặp với đào Ngọc Hương. Có những màn tình tự, vai kề vai, má kề má, đã làm cho ông xã của nàng là soạn giả Thu An điên tiết lên, và nhứt định phải cho Út Hiền rời khỏi đoàn.
Rồi thì Út Hiền đi làm kép chánh của nhiều đoàn hát khác như ai nấy đều biết. Nhưng trên sân khấu Dạ Lý Hương, anh đành thúc thủ đứng hạng nhì sau kép Hùng Cường. Chuyện rõ ràng là thế, Út Hiền không bao iờ chối cả, cũng như mọi người đều xác nhận như vậy.
Rồi có một lần nọ tại Bạc Liêu, kép Hùng Cường bận về Sài Gòn đi công tác (bởi Hùng Cường là kép lính có lệnh gọi là phải về). Không lẽ vì thiếu một người đoàn hát phải nghỉ? Cũng có thể thay Hùng Cường tạm hát được mà. Thế là Út Hiền “phụng mạng” đứng ra thay thế Hùng Cường để đoàn hát khỏi nghỉ và đào kép khỏi mất đêm lương.
Tưởng vậy là ơn nghĩa, tròn trịa rồi, không dè việc thay thế ấy không làm hài lòng người đóng cặp với mình, tức đào Bạch Tuyết. Do vậy, đang hát nửa chừng, Bạch Tuyết la ó om sòm, cự nự rùm beng trước mặt đông người.
Bị chạm tự ái quá mạnh, Út Hiền không thể dằn được, nhứt là về đến xứ sở quê hương Bạc Liêu của mình. Trước mặt bạn bè mà bị Bạch Tuyết “hạ” cho một đòn chí tử, Út Hiền phản công tới tấp và không quên dùng những lời nặng nề thóa mạ trả đũa đối phương. Thế là đôi bên “sáp chiến”, một trận giặc mồm được diễn ra quyết liệt.
Út Hiền la ó:
“Cô thần tượng với ai chớ với thằng nầy... xê rô (o) biết không?”
Vừa tới đó thì có người can ra, trận chiến tàn lần không thì chưa biết hồi sau kết cuộc thế nào.

Chuyện Bạch Tuyết

covertkw-400.jpg
Bìa đãi hát Lá Sầu Riêng. Nghệ sĩ: Thành Được, Thanh Sang, Út Hiền, Kim Cương, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết. File photo.
Và tiếp sau đây là câu chuyện Bạch Tuyết mặc sexy trên sân khấu.
Giai thoại về Bạch Tuyết mặc sexy trên sân khấu Có một dạo trong làng cải lương và khán giả hâm mộ bộ môn nghệ
thuật này, đã bàn tán sôi nổi vấn đề ăn mặc của cải lương chi bảo Bạch Tuyết, sau khi đi xem vở tuồng “Tuyệt Tình Ca” của soạn giả Hoa Phượng Ngọc Điệp trên sân khấu Dạ Lý Hương.
Thật vậy, vở tuồng nói trên Bạch Tuyết với vai Lê Thị Trường An, một cô gái “bao” của mấy ông già háo sắc, nàng mặc quần bó sát, diễn ở Lục Tỉnh làm khán giả nhao nhao lên. Cũng như trong vở hát “Gái Nhảy” Bạch Tuyết thủ vai Sương cũng ăn mặc “hấp dẫn” tương tự, do đó người ta cho rằng trong hầu hết các cô đào cải lương, Bạch Tuyết là nữ nghệ sĩ tiên phuông trong lối ăn mặc táo bạo.
Vấn đề cũng đã lên mặt báo khiến cho dư luận nổi lên với 2 khuynh hướng: Kẻ cho rằng lối diễn xuất nàng sexy xa hơn hiện trạng cải lương, không ngờ Bạch Tuyết lại tiến đến mức “quốc tế” đó! Nhưng ngược lại thì số người khác cho rằng nàng dạn dĩ chỉ vì nghệ thuật, bởi bản chất của Bạch Tuyết là tân tiến, cô không từ chối sự chỉ bảo của đạo diễn, phải khen cô ở điểm đó. Có người nói cải lương, bản thân của nó đã có tính cách sửa đổi không ngừng, việc ăn mặc của Bạch Tuyết trong các vai trò cần thiết là một sự dọ dẫm của cải lương, nhằm để cải hướng nghệ thuật sân khấu. Dù thành dù bại, nhưng lối ăn mặc bạo của Bạch Tuyết cũng là một cách thúc đẩy nền ca kịch cải lương tiến bộ theo nhu cầu cuộc sống.
Về phản ứng của khán giả, theo nhận xét của ký giả kịch trường Kỳ Quân thì ông nói rằng, lúc Bạch Tuyết mặc áo quần “đợt sống mới” bước ra sân khấu, tôi để ý dưới khán giả thấy mấy bà già hỏng chịu, còn mấy cô trẻ thì lặng im chẳng rõ có tán thành hay không. Riêng mấy cậu trai thì ưa lắm...
Hỏi ý kiến vấn đề này, nữ ký giả kịch trường Cẩm Thi nói rằng: Nếu Bạch Tuyết dám bôi đen mặt để đóng vai cô gái lai Tây đen gạch mặt trong vở “Trường Kịch 20 Năm” thì dĩ nhiên Bạch Tuyết không từ chối việc ăn mặc “bạo phổi” trong các đoạn cần yếu cho nhu cầu diễn xuất. Tôi nghĩ lối ăn mặc của vai trò không can hệ với tư cách cá nhân nghệ sĩ. Tuy nhiên khi diễn ở các tỉnh lẻ xa xôi, Bạch Tuyết nên có ý thức cẩn thận hơn lúc diễn ở Sài Gòn, bởi vì một nơi đồng bào chưa quen mắt, còn một nơi khán giả đã từng thấy nhiều cô ăn mặc còn dữ dội hơn.
Tóm lại vấn đề chẳng đi đến đâu hết, bởi lập luận của 2 khuynh hướng: Kẻ phản đối, người hoan nghinh, nhưng sở dĩ thiên hạ bàn tán là không phải chỉ riêng cá nhân của Bạch Tuyết, mà nó liên quan đến bộ môn văn hóa nghệ thuật nước nhà. Chứ nếu như Bạch Tuyết là một cô gái bình thường như hằng bao người nữ khác, thì chắc chẳng ai bàn tán làm chi, có chăng là chỉ nói một cách chung chung thôi.
Ngành Mai, thông tín viên RFA

No comments:

Post a Comment